Nhận báo giá ngay lập tức và giao hàng ngay.
““Đinh tặc” từ lâu luôn là nỗi lo, nỗi ám ảnh của rất nhiều người tham gia giao thông. Nó không những gây nguy hiểm cho người đi đường mà còn để lại nhiều hậu quả nặng nề, làm tổn thất về kinh tế, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, hành vi này lại chưa được xử lý nghiêm và có phần “nơi lỏng” khiến nạn “đinh tặc” vẫn tiếp diễn. Vậy hành vi rải đinh trên đường lộ bị xử lý thế nào
Cứ nhặt xong lại thấy có
Mới đây, theo phản ánh của người tham gia giao thông trên cầu vượt biển dài nhất Việt Nam đoạn qua địa phận Hải Phòng bị rải đinh dày đặc khiến đơn vị quản lý phải phun nước áp lực cao và dùng máy hút đinh.
Như VNE đưa tin, từ ngày 2 đến ngày 4-12, nhiều người đi qua cầu cao tốc Tân Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) tiếp tục phát hiện nhiều đinh sắt suốt dọc 5 km. Trên quãng đường chưa đầy 20 m có gần 30 chiếc đinh các loại, nhiều chiếc dài 5-7 cm, có chiếc đã qua sử dụng cong queo. Chiều từ Đình Vũ (quận Hải An) sang thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải) số lượng đinh rải dày hơn chiều ngược lại và cả bốn làn xe đều có đinh. Với tốc độ lưu thông cho phép 70 km/h, nguy cơ tai nạn nghiêm trọng khi xe cán đinh là rất cao.
Hầu hết phương tiện qua cầu, đặc biệt là xe máy phải chạy chậm để tránh đinh. Một số lái xe thậm chí dừng lại, nhặt đinh vứt đi tránh tai nạn cho mình và xe khác.
Đây là lần thứ ba trong vòng nửa tháng qua, cây cầu này bị rải đinh. Hôm 19, 20, 11-11-2018, đơn vị vận hành cầu đã gom được khoảng 2 kg đinh, đến ngày 28-11 đinh tiếp tục xuất hiện, đã có xe máy dính đinh phải dắt bộ.
Cầu Tân Vũ – Cát Hải là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nằm trên tuyến đường Tân Vũ – Lạch Huyện nối nội thành Hải Phòng với đảo Cát Hải. Tuyến đường dài hơn 15 km, trong đó riêng cầu dài 5,4 km.
Hành vi rải đinh bị xử lý thế nào?
Hành vi rải đinh trên đường lộ là hành vi gây nguy hiểm, làm cản trở giao thông, thậm chí có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vậy rải đinh trên đường lộ sẽ bị xử lý thế nào?
Căn cứ vào Điều 11, Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ
Tại khoản 6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông;
b) Xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn;
c) Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.
Như vậy với hành vi của các đối tượng trên sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Còn theo Điều 261, Bộ Luật Hình sự thì Tội cản trở giao thông đường bộ được quy đinh như sau: “1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn…, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm”
Theo thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho biết, tội phạm rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường là hành vi đã tồn tại trong xã hội nên đòi hỏi luật phải điều chỉnh. Hành vi trên gây hư hỏng tài sản cho các phương tiện tham gia giao thông, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người thực hiện hành vi rải đinh cũng nhận thức được hành động của họ là làm hỏng lốp xe để sửa chữa phương tiện lấy tiền.
Cố ý về hành vi, nhưng lại vô ý về hậu quả gây ra cho người tham gia giao thông. Đây là hành vi nguy hiểm mới của xã hội nên Bộ luật Hình sự phải điều chỉnh cho phù hợp để ngăn chặn, răn đe đối với tội phạm này. Do vậy, phạt “đinh tặc” tới 10 năm tù là xứng đáng”.
Biết rõ sự nguy hiểm hành vi của mình có thể dẫn tới chết người, nhưng các “đinh tặc” vì miếng cơm manh áo, được chủ các cơ sở vá xe thuê nên nhiều người đã làm việc nguy hại đến người khác.
Cùng với tội rải đinh, ăn cắp ốc vít ở cầu, trộm dây điện, nắp cống,.. là những thứ tệ nạn nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng ở ta vẫn coi là chuyện “vặt vãnh”, trộm cắp vặt.
Nhiều người tham gia giao thông bị thủng lốp, rơi xuống cống, dẫn đến chết người hay bị thương nặng thì quan niệm vẫn là “do số”, nên cũng không biết kiện ai, bắt ai. Điều đó dẫn tới bọn “đinh tặc” tung hoành, làm càn, trong khi lực lượng chức năng lại quá mỏng, không thể lúc nào cũng tuần tra được. Vì thế, cần phải xử lý nặng, phạt nặng hành vi nguy hiểm này, nhằm hạn chế các nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.